Sáng ngày 17/12/2022, “Hội thảo khoa học và triển lãm “Ô tô điện và di chuyển thông minh” do Khoa Công nghệ Ô tô và Kỹ thuật hàng không trường Đại học Công nghệ Miền Đông tổ chức đã diễn ra với sự tham dự của gần 30 chuyên gia đầu ngành về kỹ thuật – cơ điện, hơn 300 khách mời, sinh viên và học sinh THPT đang quan tâm đến ngành học.
Công nghiệp ô tô thế giới trong những năm gần đây đang phát triển mạnh với bước chuyển mình sang các thế hệ ô tô hiện đại, công nghệ mới trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và Thành phố thông minh. Tại Việt Nam, công nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô, các ngành dịch vụ kỹ thuật và kinh doanh ô tô cũng đang ngày càng phát triển nhanh, nhất là ở các tỉnh phía Nam và đặc biệt ở Vùng Đông Nam Bộ.
Các chuyên gia chụp hình lưu niệm tại Hội thảo
Với xu thế hướng đến công nghệ ô tô điện với sự ứng dụng mạnh mẽ của AI và các công nghệ tiên tiến trên các dòng ô tô điện. Định hướng về tương lai ô tô điện cũng đã rõ ràng với chiến lược “zero emission’’ – đưa lượng khí thải ô tô trở về không. Hiểu được nhu cầu tiếp cận những thông tin mới nhất và định hướng tương lai của các bạn trẻ, cụ thể là các em học sinh cấp 3 đang đứng trước ngưỡng cửa chọn ngành chọn nghề, Hội thảo “Ô tô điện và di chuyển thông minh” được tổ chức nhằm mục đích góp phần tăng cường kiến thức, động lực học tập cho sinh viên trường và các bạn học sinh THPT trẻ trung – năng động – sáng tạo. Bên cạnh đó, hội thảo khoa học còn là nơi gặp gỡ giữa các nhà nghiên cứu, học thuật, các nhà đầu tư, doanh nghiệp và sinh viên trong và ngoài trường để chia sẻ kinh nghiệm, ý tưởng về công nghệ ô tô trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Song song với chương trình Hội thảo khoa học, Triển lãm “Ô tô điện” được tổ chức nhằm giới thiệu đến công chúng các loại ô tô điện hiện nay trên thị trường cũng như các công nghệ đang áp dụng trên ô tô điện hiện tại và tương lai. Triển lãm gửi đến công chúng thông điệp ô tô điện là xu hướng phương tiện di chuyển cho mọi người trong tương lai với các mẫu xe điện mới nhất đến từ Toyota và Vĩnh Phát Motors.
Hội thảo bao gồm 7 bài báo cáo tham luận và 7 bài báo cáo bằng poster, từ những cơ sở và thách thức công nghiệp ô tô thế giới và Việt Nam đến các công nghệ xe điện, xe tự lái và hoạt động của chúng đảm bảo cho sự di chuyển an toàn bền vững trong thành phố thông minh, cũng như khả năng ứng dụng ô tô điện và tự lái ở Việt Nam và xu hướng phát triển 2 loại xe này trong tương lai trên thế giới,… Đặc biệt là có các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này đến từ các đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Bách khoa Tp HCM, Đại học Đà Nẵng, Đại học Phenikaa và những chuyên gia của tập đoàn công nghiệp hàng đầu thế giới Siemens (CHLB Đức) đã trình bày các xu hướng, quan điểm, phương pháp thiết kế, công nghệ tiên tiến của các loại ô tô điện và ô tô tự lái, khả năng ứng dụng hiện nay và trong tương lai gần. Trong những năm gần đây, công nghiệp ô tô thế giới đang chuyển sang sản xuất các loại xe điện, xe hybrid và xe tự lái (BEV, HEV & CAV _ZEV), Việt Nam đang có chiến lược sản xuất và ứng dụng các loại xe này trên cả nước, trong đó có Vùng Nam Bộ.
Các báo cáo viên và nội dung trình bày tại Hội thảo:
* PGS. TS Phạm Xuân Mai – Cố vấn Khoa Công nghệ ô tô – Kỹ thuật hàng không MIT Uni. Nguyên Trưởng Khoa Kỹ thuật giao thông trường Đại học Bách Khoa TP.HCM – Di chuyển thông minh, xe tự lái, kết nối CAV và chia sẻ xe·
*Tiến sĩ Lương Hùng Truyện – Phó Trưởng khoa Khoa Công nghệ ô tô & Kỹ thuật hàng không MIT Uni. – Giám đốc chương trình đào tạo ngành Công nghệ Ô tô MIT Uni. – Chiến lược phát triển khoa công nghệ ô tô kỹ thuật hàng không MIT Uni.
* GS. TS Lê Anh Tuấn – Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Bách Khoa Hà Nội – Ô tô điện và xu hướng phát triển ô tô điện·
* Tiến sĩ Hoàng Anh Dũng – Chuyên gia thiết kế vô lăng ô tô Công ty SECO KOMOS Hàn Quốc – Xu hướng thiết kế cùng các công nghệ hiện tại và tương lai sử dụng cho vô lăng lái theo khuynh hướng xe điện và xe tự lái·
* Tiến sĩ Cơ điện tử Lê Anh Sơn – Phó Viện trưởng Viện sau đại học trường Đại học Phenikaa – Phương pháp, quy trình thiết kế và thử nghiệm xe tự lái; hướng phát triển xe tự lái tại Việt Nam·
* Thạc sĩ Võ Hồng Kỳ – Giám đốc Quốc gia Siemens DI SW tại Việt Nam – Công nghệ Siemens phát triển trên ô tô điện và ô tô tự lái.
*Kiến trúc sư giải pháp Swanson Russell Duane – Transform the future of E/E systems development (Tạm dịch: Sự chuyển đổi trong tương lai cho sự phát triển của hệ thống điện – điện.
Những kiến thức mới trong những bài tham luận tại Hội thảo lần này, sẽ là tài liệu bổ ích cho sinh viên, học viên, giảng viên Đại học Công nghệ Miền Đông và cho các Đại học khác cũng như các đơn vị quan tâm đến công nghệ và kỹ thuật ô tô mới, hiện đại. Đồng thời góp phần kích hoạt các hoạt động khoa học công nghệ ô tô trong đào tạo, sản xuất kinh doanh ô tô ở các tỉnh Miền Nam, góp phần phát triển công nghiệp, giao thông vận tải và kinh tế xã hội khu vực này, đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước.
“Đây cũng là lần đầu tiên trong cả nước, một Hội thảo Khoa học về Ô tô điện và Di chuyển thông minh được tổ chức bài bản, quy mô tại một Trường Đại học, góp phần xây dựng một bộ tài liệu mới về xe điện, xe tự lái và di chuyển thông minh ở Việt Nam”, PGS. TS. Phạm Văn Song, Hiệu trưởng trường đại học Công nghệ Miền Đông chia sẻ.
Trường Đại học Công nghệ Miền Đông (MIT) là đại học đa ngành, là đại học lớn ở khu vực Miền Đông Nam Bộ, có khoa Ô tô và Hàng Không, trong đó có ngành là Công nghệ kỹ thuật ô tô. Khoa Công nghệ ô tô và Kỹ thuật hàng không được thành lập với đội ngũ giảng viên chủ chốt tốt nghiệp từ Trường Đại học Bách Khoa Tp. HCM, trong đó có sự quan tâm đặc biệt và cố vấn của PGS. TS Phạm Xuân Mai – Nguyên Trưởng khoa Khoa Kỹ thuật giao thông Trường Đại học Bách Khoa Tp. HCM. Trong suốt thời gian qua, Khoa không ngừng nghỉ nâng cao chất lượng giảng dạy cho sinh viên Nhà trường, hỗ trợ cho các em sinh viên trong học tập và nghiên cứu./.
Nguồn: https://mit.vn/